'Cuộc chiến' thẻ từ và chip
Tương lai sẽ là của thẻ chip, nhưng thẻ từ vẫn chưa “chịu” kết thúc vai trò “lịch sử” của nó trong công nghệ thẻ. Cuộc chiến thẻ từ - thẻ chip sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa.
Bắt đầu từ đầu năm nay, các tổ chức thẻ quốc tế Visa, MasterCard chính thức đề nghị các ngân hàng Việt Nam phát hành thẻ chuyển đổi sang EMV. EMV (viết tắt của Europay, MasterCard và Visa) là chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip với các loại thẻ tín dụng hoặc ghi nợ.
Chuyển đổi, nói thì đơn giản, nhưng trên thực tế đó là cuộc chiến gay go của các ngân hàng Việt Nam, bởi khoản đầu tư cho chiếc thẻ chip và hệ thống chấp nhận thẻ chip đi kèm không dưới bạc tỉ.
Đắt và rẻ
Sự khác nhau cơ bản giữa thẻ từ và thẻ chip là ở chỗ thẻ chip áp dụng quy trình EMV ngay trên thẻ (ngay trên chip), còn thẻ từ chỉ áp dụng EMV tại kho dữ liệu. Chính vì thế thẻ chip an toàn hơn rất nhiều. Việc làm thẻ chip giả hay lấy cắp dữ liệu cá nhân từ thẻ để ăn cắp tiền bị hạn chế hơn nhiều so với thẻ từ. Từ đặc điểm này, Hiệp hội Công nghiệp thẻ quốc tế đã khuyến khích các ngân hàng, định chế tài chính phát hành thẻ chuyển sang thẻ chip.
Các tổ chức thẻ quốc tế Visa, MasterCard không bắt buộc các ngân hàng thành viên phải chuyển nhưng lại để ngỏ rằng rủi ro sẽ chuyển sang các đơn vị chưa phát hành thẻ chip. Nói cách khác, “anh có quyền lựa chọn, nhưng nếu anh không chọn cách của chúng tôi, anh phải gánh chịu rủi ro với những thẻ bị mất cắp tiền, điều mà trước đây chúng tôi vẫn gánh cho anh”.
An toàn khi xài thẻ thì ai cũng muốn. Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên cho việc chuyển đổi là thẻ chip quá mắc.
Ông Nguyễn Trọng Khang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ MK, doanh nghiệp đang sản xuất thẻ chip, thẻ thông minh cho các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động (simcard), cho biết giá thành một chiếc thẻ từ “made in Vietnam” là 20 xu Mỹ, còn thẻ chip là 2 đô la Mỹ. Nhưng theo một số ngân hàng, họ nhập thẻ từ chỉ với giá 15 xu/chiếc, còn thẻ chip tới 7,5 đô la Mỹ/chiếc.
Hiện MK đã thành lập một liên doanh sản xuất thẻ với đối tác Mỹ tại khu công nghiệp Quang Minh, Vĩnh Phúc. Công ty dự kiến đầu năm 2007 sẽ triển khai nhà máy sản xuất thẻ thứ hai tại khu Công nghệ cao Tp.HCM.
Ngoài chi phí làm thẻ, hiện còn một vấn đề khác cản trở các ngân hàng: ở Việt Nam chưa có chuẩn mực cho thẻ chip. “Chúng tôi đang thảo luận với Ngân hàng Nhà nước về những tiêu chuẩn cho thẻ chip ở Việt Nam” - ông Khang nhấn mạnh - “Bây giờ mạnh ngân hàng nào ngân hàng ấy phát hành thẻ. Mỗi ngân hàng một loại thẻ khác nhau. Nhưng trong tương lai, các ngân hàng phải liên kết để thẻ của ngân hàng này có thẻ xài ở hệ thống ATM của ngân hàng khác hay của tất cả các ngân hàng. Do đó cần định hướng chung cho phát hành thẻ, và nếu định hướng không đúng, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro lớn”.
Thay máy POS... mệt nghỉ!
Một số nước châu Á đã chuyển dần sang thẻ chip từ cuối năm ngoái. Nhưng cuộc chuyển đổi cũng không dễ dàng. Ông Đỗ Đức Cường, tư vấn cấp cao của Ngân hàng Đông Á, cho biết tại Đài Loan, nơi đã áp đặt việc chuyển đổi sang thẻ chip, hiện số thẻ chuyển đổi sang thẻ chip mới chỉ chiếm 6% trong tổng số hàng chục triệu thẻ từ đã phát hành. Ở Singapore, thẻ chip cũng mới chiếm khoảng 10%.
Việc đầu tư cho hệ thống đầu đọc thẻ chip đang khiến các nhà phát hành thẻ nhức đầu.
Thẻ chip phát hành ra mà hệ thống đầu đọc chưa sẵn sàng thì chiếc thẻ coi như mất tác dụng. Vì thế các ngân hàng hoặc phải nâng cấp, hoặc thay thế hoàn toàn đầu đọc mới. Máy ATM phải nâng cấp, thay thế đầu đọc, đã đành. Phức tạp nhất là thay thế hàng triệu máy quẹt thẻ POS (point of sale). Ở Việt Nam, mỗi ngân hàng đều có ít nhất từ vài trăm đến hàng ngàn điểm chấp nhận thẻ xài máy POS. Nội việc thay mới số máy này đã... mệt nghỉ!
Thêm nữa, trong quá trình chuyển đổi, số thẻ từ đã phát hành vẫn lưu hành. Vậy là phải có hệ thống máy ATM và POS chấp nhận cả thẻ từ và thẻ chip, chừng nào thẻ từ vẫn còn được dùng. Ngân hàng Đông Á đã buộc phải bỏ ra một khoản tiền lớn đầu tư cho hệ thống thiết bị tổng hợp đọc được cả thẻ từ và chip. Còn với Ngân hàng Ngoại thương, theo lời ông Huỳnh Song Hào, Phó giám đốc chi nhánh Tp.HCM, hệ thống thiết bị đọc thẻ đang được chuyển đổi và khách du lịch nước ngoài sở hữu thẻ chip có thể xài máy ATM hay máy POS của ngân hàng mà không gặp trở ngại gì.
Vietcombank cũng dự định sẽ phát hành những chiếc thẻ chip đầu tiên vào năm 2007. Cách phát hành của Vietcombank là sẽ làm theo kiểu cuốn chiếu.
“Chúng tôi không thể ngay lập tức chuyển toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip vì chi phí quá lớn (Vietcombank đã phát hành hơn một triệu thẻ từ). Mặt khác, cũng có những khách hàng đang sử dụng in ấn quảng cáo không muốn đổi thẻ. Ngân hàng phải tôn trọng ý muốn của họ”, ông Hào nói.
Rõ ràng, tương lai sẽ là của thẻ chip, nhưng thẻ từ vẫn chưa “chịu” kết thúc vai trò “lịch sử” của nó trong công nghệ thẻ. Cuộc chiến thẻ từ - thẻ chip sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa.
Thẻ chip an toàn hơn thẻ từ?
Thẻ từ có giá thành sản xuất rẻ, tuy nhiên, công nghệ bảo mật trên cơ sở dữ liệu đã lạc hậu và dễ bị đánh cắp thông tin.
Trong khi đó, thẻ chip áp dụng công nghệ bảo mật ngay trên con chip cài sẵn trong thẻ nên độ an cao hơn rất nhiều.
Trong bối cảnh các vụ đánh cắp thông tin thẻ tín dụng xuất hiện ngày càng nhiều gây hoang mang cho người tiêu dùng, các tập đoàn phát hành thẻ đã áp dụng thẻ chip thay thế cho thẻ từ nhằm tăng tính bảo mật.
Thẻ từ áp dụng công nghệ bảo mật bằng từ tính và lưu trữ thông tin trên dải băng từ ở mặt sau thẻ. Các thông tin chỉ được mã hóa một lần và khi quẹt thẻ qua máy thanh toán, thông tin được giải mã. Tuy nhiên, các thiết bị đọc ghi thẻ có thể thay đổi nội dung dữ liệu trên thẻ. Chính vì vậy, khi đã xâm nhập được vào cơ sở dữ liệu của thiết bị đọc thẻ, kẻ gian hoàn toàn có thể đánh cắp thông tin trên thẻ từ của người dùng.
Trong khi đó, thẻ chip áp dụng công nghệ gắn chip điện tử với bộ vi xử lý như một máy tính thu nhỏ và hoàn toàn độc lập, các thông tin quan trọng được mã hóa.
Quy trình giao dịch bằng thẻ chip phải trải qua 8 bước với độ bảo mật rất cao.
Sau khi đưa thẻ vào máy thanh toán hoặc giao dịch tại website, dữ liệu thẻ sẽ được xử lý và gửi thông tin tới ngân hàng thanh toán. Ngân hàng thanh toán sau đó sẽ gửi thông tin của chủ thẻ tới tổ chức thanh toán như MasterCard rồi MasterCard gửi thông tin giao dịch tới ngân hàng phát hành để xin cấp phép giao dịch.
Sau đó, ngân hàng phát hành sẽ xác thực thẻ và kiểm tra thông tin rồi gửi thông tin cấp phép giao dịch về cho MasterCard và ngân hàng thanh toán và cuối cùng tới thiết bị thanh toán để thực hiện trả lời cho chủ thẻ thực hiện giao dịch.
Chính vì vậy, với quy trình như trên, giao dịch thẻ chip được đánh giá là cực kỳ an toàn cho khách hàng và hạn chế được việc làm giả hay lấy cắp dữ liệu cá nhân.
Đăng bởi Bích Vân Tags: in ấn thẻ từ, in thẻ nhựa kéo từ, in thẻ từ, in thẻ từ chấm công, in thẻ từ ép kim, in thẻ từ nhân viên, phát hành thẻ từ, thẻ từ